8 nguyên tắc đầu tư thành công của Benjamin Graham

Trọng tâm cuốn sách “Phân tích chứng khoán” kể lại những kinh nghiệm và bí quyết của tác giả Benjamin Graham khi đứng trước “ngài thị trường” đầy khó khăn và không thiếu những thử thách. Trong tác phẩm, ông không chỉ tập trung mổ xẻ thị trường chứng khoán và tâm lý các nhà đầu tư mà còn phác họa ra chiến lược chung phù hợp với từng thời kỳ biến động của thị giá trên thị trường chứng khoán. Những phương pháp của ông trở thành kinh điển và là cẩm nang đối với tất cả cư dân của cả thế giới đầu tư và đầu cơ. Sức sống và tính thời sự của chúng thể hiện ở chỗ, nếu hậu thế làm theo những gì đã được trình bày và khái quát, đúc kết và khuyến nghị ở trong đó thì dù là nhà đầu tư và đầu cơ chỉ có thể thắng chứ không thua. Vấn đề chỉ là ở chỗ những kẻ thực hành có thật sự làm đúng như vậy hay không.
"Hoạt động đầu tư là một quá trình, thông qua phân tích kỹ lưỡng và cẩn trọng, có thể đảm bảo an toàn vốn và thu lời thỏa đáng. Tất cả những hoạt động không đáp ứng được những yêu cầu trên là đầu cơ" Benjamin Graham
Các phương pháp mà ông đưa ra được đúc kết từ cuốn sách như sau:
  • Tìm kiếm những công ty đang được bán với giá bằng một nửa lượng tiền mặt công ty đang nắm giữ. Ông còn gọi đây là chiến lược “mua 1 USD với giá 50 xu”.
  • Không bao giờ mua cổ phiếu của công ty có thị giá quá 10 lần lợi nhuận.
  • Bán ra khi lợi nhuận đạt 50%.
  • Nếu sau 2 năm cổ phiếu không tăng giá thì bán đi với mọi giá.
  • Người nào không làm chủ được cảm xúc của mình thì không thể kiếm tiền từ hoạt động đầu tư.
  • Để giảm thiểu tỉ lệ rủi ro phá sản của các công ty, nhà đầu tư hãy tiến hành đa dạng hóa danh mục đầu tư chứng khoán để tránh tình trạng “bỏ trứng vào chung một giỏ”. Đối với ông, điều tối kị là dồn hết vốn liếng vào một cổ phiếu duy nhất mà chưa thực sự biết rõ thông tin hay tìm hiểu cặn kẽ về chúng.
  • Hãy tìm kiếm những công ty có bảng cân đối thu chi tốt hoặc những công ty mắc ít nợ, lợi nhuận trên mức trung bình và có lưu lượng tiền mặt dồi dào
  • Kiên nhẫn nắm giữ cổ phiếu theo đúng lộ trình và quy tắc vạch ra, đừng quá lo lắng trước biến động ngắn hạn theo giờ của thị trường cũng là một thước đo của thành công.

Đối với tác giả, cốt lõi của việc phân tích chứng khoán và chiến lược đầu tư vào giá trị (Value Investing) đơn thuần xuất phát từ nhận thức cho rằng thị trường hoạt động không phải luôn hoàn hảo, giá không phải khi nào và trong trường hợp nào cũng thể hiện đúng thực trạng của doanh nghiệp hay cổ phiếu. Hay nói cách khác, giữa giá hiện tại và giá trị thật sự - còn gọi là giá trị bên trong của doanh nghiệp và cổ phiếu, luôn có khoảng cách. Nếu tìm ra được sự khác biệt đó và một khi thấy giá thị trường thấp hơn giá trị bên trong, thường chỉ có thể định tính, chứ không thể định lượng được ấy thì bản thân nhà đầu tư hay nhà đầu cơ phải hành động nhanh chóng, mua vào luôn và chờ đến khi tỷ giá tăng lên cao hơn giá trị bên trong của doanh nghiệp hay cổ phiếu vì sớm hay muộn điều đó cũng sẽ xảy ra.
Graham cũng phân biệt rõ rang hai khái niệm đầu tư và đầu cơ. Theo Graham "Hoạt động đầu tư là một quá trình, thông qua phân tích kỹ lưỡng và cẩn trọng, có thể đảm bảo an toàn vốn và thu lời thỏa đáng. Tất cả những hoạt động không đáp ứng được những yêu cầu trên là đầu cơ”. Có nhiều người luôn cho rằng mình đang “đầu tư thật sự”, có thể bản chất của hành động là đầu tư, nhưng cách tư duy và tính toán lại là đầu cơ. Trên thực tế, đối với ông, dù đi theo bất cứ phương pháp nào, thì người thành công nhất vẫn phải là người kiếm được tiền từ “ngài thị trường”.

Sự khác biệt rõ nét nhất giữa một nhà đầu tư và nhà đầu cơ ông cho rằng nằm ở thái độ của họ đối với thị trường. Mục tiêu chủ yếu của nhà đầu cơ là dự báo các biến động của thị trường để tìm kiếm lợi nhuận. Nhà đầu tư thì lại mua và nắm giữ cổ phiếu thích hợp ở mức giá phù hợp. Theo ông, trên thị trường tài chính thì sẽ không đảm bảo hoàn toàn thành công nếu chỉ đầu tư thuần túy và phải nhờ may rủi rất nhiều nếu như chỉ tập trung vào đầu cơ.

Graham cũng luôn tin rằng nhận định của thị trường về giá trị của các chứng khoán thường không đúng. Ông sử dụng từ “Mr Market” để ngầm chỉ một sự thật rằng giá cả chứng khoán có sự giao động rất lớn, và chính điều này sẽ mang lại cho những nhà đầu tư khôn ngoan cơ hội để mua khi giá giảm và bán ra khi giá tăng. Bên cạnh đó, tác giả cũng khuyên người nắm giữ cổ phiếu nên quan niệm rằng họ đang nắm giữ một phần quyền sở hữu công ty. Vì thế, họ sẽ không phải bận tâm về những biến động khó lường của thị trường, bởi vì trong ngắn hạn, thị trường là máy biểu quyết (hoàn toàn phụ thuộc vào thị hiếu của những người tham gia) còn trong dài hạn, thị trường luôn là bàn cân (trong dài hạn, giá trị thực sự sẽ được phản ánh vào giá cổ phiếu).

Ông cũng phân biệt nhà đầu tư bị động và nhà đầu tư chủ động. Nhà đầu tư bị động (hay còn gọi là nhà đầu tư phòng vệ) sẽ đầu tư thận trọng, tìm kiếm những chứng khoán có giá trị, và nắm giữ chúng khá lâu. Ngược lại, nhà đầu tư chủ động là người có nhiều thời gian, niềm yêu thích và kiến thức chuyên sâu hơn để tìm kiếm những cơ hội bất thường trên thị trường. Graham khuyến nghị những nhà đầu tư dạng này cần bỏ thời gian công sức phân tích tình hình tài chính của công ty. Khi giá thị trường thấp hơn giá trị nội tại, biên an toàn hình thành, đấy là lúc thích hợp để đầu tư hơn.

Ngày nay, khi nhắc đến ông, người ta đều nhớ đến câu nói nổi tiếng “Nhà đầu tư thông minh là nhà đầu tư phải biết kiên nhẫn. Nhà đầu cơ kiên nhẫn thường là nhà đầu tư dễ dàng chiến thắng hơn”. Có lẽ rằng cho đến tận ngày nay, các nguyên lý kinh doanh chứng khoán mà ông kỳ công đúc kết vẫn luôn là những kiến thức và bài học quan trọng cho tất cả những ai muốn thử sức với thị trường chứng khoán ngay từ giây phút đầu tiên ta bắt đầu gấp trang sách lại!

Nguồn: Tri thức trẻ
Labels:
[blogger][facebook][disqus]

Author Name

Contact Form

Name

Email *

Message *

Powered by Blogger.