Cả GDP và GNI đều là những chỉ số đánh giá hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia. Tuy nhiên có sự khác biệt về ý nghĩa giữa hai chỉ số này. Sự chênh lệch giữa hai giá trị GDP và GNI càng làm rõ (trầm trọng) hơn ý nghĩa đánh giá hiệu quả trong hoạch định chiến lược phát triển của đất nước. Hãy cùng tìm hiểu ý nghĩa của các chỉ số này trong trường hợp Việt Nam, với sự minh họa điển hình từ Ireland.
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, GDP bình quân đầu người của Việt Nam bắt đầu tăng và vượt mức GNI bình quân đầu người. Khoảng cách giữa hai chỉ số này cũng có xu hướng nới rộng hơn, lên 7% trong hai năm 2017 và 2018.
Từ những năm 90 của thế kỷ 20, Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký và thực hiện gia tăng với tốc độ trung bình lần lượt là 25% và 19% trong giai đoạn 1991 - 2018 và FDI ròng (net FDI) tương đương 9% GDP trong cùng giai đoạn.
Cùng với sự tăng trưởng của nguồn vốn FDI, lợi nhuận mà các doanh nghiệp và nhà đầu tư ngoại thu được từ hoạt động sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam cũng gia tăng nhanh chóng.Theo số liệu của GSO thì tính đến hết năm 2016, tổng lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài (100% hoặc liên doanh với nước ngoài) đạt khoảng 145 nghìn tỷ đồng (tương đương 3,2% GDP theo giá thực tế). Giả thiết 75% số lợi nhuận này được chia cho cổ đông không lưu trú ở Việt Nam thì cũng tương đương 2.4% GDP hay 110 nghìn tỷ đồng. Con số này chưa tính toán đến lợi nhuận mà các nhà đầu tư nước ngoài thu được thông qua hoạt động góp vốn, mua cổ phần trên thị trường chứng khoán.
Theo Niên giám thống kê năm 2019, các doanh nghiệp FDI chuyển tiền ra khỏi Việt Nam khoảng 18 tỷ USD, làm thu nhập quốc gia (GNI) ngày càng chiếm tỷ trọng nhỏ đi so với GDP. Năm 2013, nếu GNI bằng 97% GDP thì đến năm 2018 tỷ lệ này chỉ còn 92% GDP (Trích trong TBKTSG T2/2020 "Đóng góp của bất động sản cho nền kinh tế", Bùi Trinh trang 56-57).
Như vậy, nếu giả thiết trên thành hiện thực thì vấn đề cần quan tâm là nguồn lực gia tăng cho đầu tư, tái sản xuất mở rộng và tạo thêm việc làm - thu nhập cho người dân trong nước còn lại là bao nhiêu?
Nói cách khác tăng trưởng thực tế của kinh tế Việt Nam sẽ là bao nhiêu phần trăm nếu không tính phần gia tăng do đóng góp của đầu tư nước ngoài?
Việc chỉ ra những chênh lệch này hoàn toàn không chủ ý rằng FDI là một yếu tố tiêu cực với tăng trưởng thực của kinh tế Việt Nam, tuy nhiên, mục tiêu chính của những lập luận và tính toán trên nhằm chỉ ra với trường hợp của Việt Nam là tương tự Ireland.
Trong trường hợp này, GDP không phải là thước đo chính xác và hiệu quả duy nhất phản ánh trình độ phát triển kinh tế quốc gia trên thực tế. Việc tính toán và sử dụng chỉ số GNI, có điều chỉnh cho phù hợp với các đặc thù của kinh tế Việt Nam sẽ góp phần phản ánh tốt hơn hiệu quả của các chính sách phát triển kinh tế đối với đời sống của người dân.
Mặc dù GNI có những điểm yếu như có độ trễ trong tính toán, không thể tính toán ngay hàng quý và đưa vào sử dụng trong công tác chỉ đạo, điều hành chính sách ngắn hạn. Song việc cân nhắc đưa chỉ báo này vào danh sách các mục tiêu trung và dài hạn là cần thiết. Hành động này cũng sẽ cung cấp thông tin định hướng hữu ích cho các địa phương khi đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội. Theo đó, các chính sách phát triển không nên chỉ tập trung thu hút FDI đơn thuần mà nên lấy thu nhập của người lao động và mức sống của cư dân làm thước đo hiệu quả.
Nguồn:
- Vũ Thị Hằng, "GDP và GNI: đâu mới là phát triển thực sự?" TBKTSG 27/2020 (trang 58 - 59)
- Bùi Trinh, "Đóng góp của bất động sản cho nền kinh tế", TBKTSG 27/2020 (trang 56-57)