Báo cáo phân tích thị trường cà phê tháng 8/2021
Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) dự báo sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2020-2021 đạt 169,6 triệu bao (loại 60 kg/bao), tăng nhẹ 0,4% so với 169 triệu bao của niên vụ trước. Trong đó, sản lượng cà phê arabica dự kiến tăng 2,3% lên 99,3 triệu bao, trong khi sản lượng cà phê robusta giảm 2,1% xuống mức 70,4 triệu bao.
Tiêu thụ cà phê thế giới trong niên vụ 2020 - 2021 dự kiến đạt 167,01 triệu bao, tăng 1,9% so với niên vụ 2019-2020, nhưng vẫn thấp hơn 0,3% so với niên vụ 2018-2019, thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Trong tháng 8, giá cà phê thế giới ghi nhận tháng tăng thứ 10 liên tiếp do lo ngại nguồn cung trong bối cảnh điều kiện khí hậu bất lợi ở các nước sản xuất lớn và chi phí vận chuyển hàng hóa ngày càng tăng cao.
Tại Việt Nam, trong tháng 8, tình hình dịch COVID-19 căng thẳng gây đứt gãy chuỗi cung ứng cà phê sang thị trường các nước Châu Âu theo Hiệp định EVFTA. Đồng thời, việc thiếu container và giá cước tàu tăng càng khiến nguồn cung cà phê từ Việt Nam sang các nước trở nên khó khăn hơn.
Theo ước tính của Cục Xuất nhập khẩu, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 8/2021 đạt 105 nghìn tấn, trị giá 207 triệu USD, giảm 14,1% về lượng và giảm 11,9% về trị giá so với tháng 7/2021, nhưng so với tháng 8/2020 tăng 4,8% về lượng và tăng 12,3%. Việc giá cà phê thế giới tăng mạnh trong tháng 8 đã giúp giá ở thị trường nội địa tăng theo và ghi nhận mức cao kỷ lục.
Với sự đứt gãy nguồn cung từ Việt Nam và Brazil và chi phí logistics tăng quá cao, giá cà phê thế giới được dự báo tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Ngoài ra, dịp Noel và các dịp lễ tết cuối năm ở các nước trên thế giới đang đến gần, đồng thời, các nhà hàng, khách sạn được mở cửa trở lại giúp đẩy mạnh nhu cầu cà phê hơn. Đây là hai yếu tố vững chắc giúp hỗ trợ giá cà phê thế giới trong thời gian tới. Điều này đồng nghĩa giá cà phê tại Việt Nam cũng được hưởng lợi.
Nguồn: VietnamBiz